Rời nhà khách Hoa Sen,Thanh Xuân Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc rồi có đoạn rẽ trái 3km vào Quốc lộ 6 qua thành phố Hòa Bình,vượt dốc Cun 12 km, huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp, cách thủ đô Hà Nội 130 km về phía tây bắc, một thung lũng xanh hiện lên trước mặt, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón mọi người, chúng tôi hướng về Bản Lác một trong những điểm sáng du lịch cộng đồng của Việt Nam.
Bản Lác, thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ, họ Hà, họ Lò, họ Vì, họ Mác và Lộc. Theo tiếng của địa phương gọi là Bản Lạc, nghĩa là nơi hội tụ của những người Thái làm nghề buôn bán, hoặc đi tha phương cầu thực, gặp miền đất lành nên ở lại làm ăn sinh sống, Bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm, đến nay đã có trên 100 hộ dân. Trước đây dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa, làm nương và dệt thổ cẩm. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của Bản Lác đã dần được du khách khám phá. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, cái tên Bản Lác đã được nhiều người biết đến.
Ông Hà Công Nhấm ở căn nhà số 6 Bản Lác, năm nay đã 86 tuổi nay ông vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, Ông là người có công trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người Thái Bản Lác và cũng là người làm du lịch đầu tiên của bản, ông cho biết: Người dân Bản Lác đã biết làm du lịch từ những năm đầu thập kỷ 60, nhưng thời điểm làm du lịch rộ lên của Bản Lác là từ năm 1997, khi ấy, Bản Lác nhộn nhịp khách ghé thăm, có nhiều chuyên gia nước ngoài ở thủy điện Hòa Bình lên nghỉ vào ngày cuối tuần. Cứ người nọ mách người kia, du khách tìm đến Bản Lác mỗi ngày một đông. Có những hôm khách ghé thăm nhiều hơn người dân bản. Nhà trong bản không đủ chỗ cho khách trọ. Khách đến Bản Lác ngày càng đông, người dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon như thịt trâu sấy, gà bản, lợn bản cùng xôi nếp, cơn lam, rượu cần…,thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí... chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre, nỏ, cung tên… để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Cứ thế, ngày qua ngày, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt và loại hình du lịch cộng đồng sống trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
Bản Lác là nơi cư trú của người dân tộc Thái, nhưng ai đến đây cũng không khỏi bất ngờ bởi Bản Lác có đường bê tông trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ, đánh số từ nhà nghỉ số 1 đến số 25, ở nhà nghỉ số 1, nơi được dân du lịch “phong tặng” danh hiệu “khách sạn 4 sao”. Chủ nhà là anh Lò Thái Thu - đã có hơn 6 năm trong nghề. Hôm nay có cả đoàn làm phim từ tỉnh Đồng Tháp đến để tìm hiểu để giới thiệu mô hình du lịch và văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Dịp này đoàn đã đánh trống mời đội văn nghệ đến biểu diễn để quay phim, chụp ảnh. Cả Bản Lác thường xuyên có 6 đội văn nghệ, ban ngày đi làm ruộng, làm nương, buổi tối biểu diễn phục vụ khách du lịch, một chương trình biểu diễn chừng 30 phút gồm các tiết mục văn nghệ đặc sắc, múa truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường và dân tộc Mông, những bài hát ca ngợi quê hương Tây Bắc của Tổ quốc. Tái hiện lễ hội Chá Chiêng của dân tộc Thái…trong khi biểu diễn người dẫn chương trình văn nghệ (được anh anh gọi vui là “con chim đầu đàn”) còn khéo léo mời khách giao lưu hát cùng vài tiết mục như để giữa chủ và khách gần gũi, thân mật hơn. Trước kia việc biểu diễn văn nghệ chỉ để giao lưu với khách trong bữa ăn, khách muốn trả tiền ít nhiều tùy tâm, dần dần một chương trình biểu diễn được khách trả 200.000, rồi 300.000đ, khách quốc tế có thể trả cao hơn và nay một chương trình biểu diễn cộng với một hũ rượu cần được quy định giá 700.000đ kể cả phục vụ một người khách giá cũng như thế. Sau tiết mục nhảy sạp tiết mục cuối cùng là tiết mục múa mời khách thưởng thức rượu cần cùng gia chủ và đội múa. Được biết các đội múa được chia ra thành nhiều lứa tuổi đồng đều, đội trẻ tuổi mười tám, đôi mươi. Đội nam nữ có một con, đội 2 con, mỗi đội văn nghệ thường có 5 cô gái và 4-5 chàng trai. Các ông, các bà từ tuổi trung niên trở lên ở Bản Lác hầu hết đều biết múa hát và họ chỉ múa, hát khi có khách quý cùng tuổi ông tuổi bà với nhau.
Đoàn của Huyện Bát Xát chúng tôi nghỉ lại ở ngôi nhà sàn số 4, khu nhà được làm theo hình chữ L gồm 2 nhà sàn cao khoản 3m dựng sát vào nhau đủ chỗ cho cả mấy chục người nghỉ. Một sàn để dành cho nam và sàn kia dành cho chị em phụ nữ nghỉ, phòng của gia chủ và bếp ăn ở dưới gầm sàn, khu nhà tắm và nhà vệ sinh được xây ở một khu riêng gần chân cầu thang phụ, bên dưới sàn mỗi nhà còn có phòng nghỉ cho cặp đôi vợ chồng; ở gầm cầu thang chính có một cái trống to, chị chủ nhà cho biết nếu muốn mời đội văn nghệ đến biểu diễn chỉ cần đánh một hồi trống báo hiệu là vài phút sau sẽ có đội múa đến phục vụ ngay. Bữa tối được bày lên, thi thoảng chủ nhà lại đến mời khách chén rượu làm không khí của bữa tối thêm sôi nổi hẳn lên; Hôm nay đông khách nên ở các “sàn” tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập làm không khí trong đêm ở Bản Lác trở nên sôi động, nhộn nhịp. Sau khoảng 5 phút tiếng trống báo hiệu, ở cầu thang “sàn” nhà số 4 chúng tôi cũng đã xuất hiện đội múa gồm 5 cô gái mặc áo Thái màu đỏ, 3,4 chàng trai mặt áo màu xanh, khi dàn nhạc cụ gồm 3 cái chiêng đồng lớn nhỏ, nhị, mõ và âm ly đã chuẩn bị xong MC “con chim đầu đàn” xuất hiện trong bộ trang phục duyên dáng, nụ cười luôn thường trực trên môi giới thiệu nội dung chương văn nghệ. Tiếng chiêng tiếng nhạc “sàn” 4 nhanh chóng hòa nhịp cùng tiếng hát mộc mạc trong trẻo của các chị người Thái, gọi là các chị bởi các diễn viên của đội đều đã có gia đình và có hai con tầm tuổi học sinh lớp 1, lớp 4. Có lẽ đoàn chúng tôi hầu hết ở tuổi trung niên nên cô chủ đánh trống mời đội cho tương xứng với tầm lứa để biểu diễn, giao lưu cho dễ hòa đồng hơn. Đặc biệt cô chủ từ trưa đón khách, nấu cơm và làm đủ thứ việc nhà bỗng nhiên xuất hiện trong đội múa kiến khán giả thêm phần háo hức, cổ vũ cho cô nồng nhiệt hơn. Nhìn sang “sàn” bên chương trình văn nghệ đã vào cuối canh, nên tiếng gõ sạp càng dồn dập, cộng thêm tiếng cười, tiếng nói và tiếng chiêng của các sàn làm vang động cả núi rừng Mai Châu.
Hôm sau, làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mai Châu đoàn chúng tôi được biết thêm nhiều thông tin về những điểm du lịch cũng như kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của huyện miền núi này. Mai Châu hiện có 12 di tích, danh thắng, trong đó có 5 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Ngoài ra, Mai Châu còn là địa phương lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với những nét đặc trưng của dân tộc Thái, Mông qua các hoạt động của người xưa trong các lễ hội, như: lễ hội “Cầu mưa”, lễ hội “Chá chiêng” của dân tộc Thái và lễ hội “Gầu tào” của dân tộc Mông…
Để những tiềm năng sẵn có trở thành thế mạnh có thể khai thác, huyện đã xây dựng kế hoạch dài hạn nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương và lập qui hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các bản làng du lịch mới như: Bản Bước, xã Xăm Khòe trở thành làng văn hóa- du lịch sinh thái; …Đồng thời, tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư, tìm đối tác tạo ra nguồn vốn phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tạo thành trung tâm du lịch hấp dẫn của cửa ngõ vùng Tây Bắc.
Thông qua việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững, Mai Châu đã giới thiệu cho khách tham quan du lịch về nếp sống, văn hóa và các phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc trong đó điển hình là dân tộc Thái; phát huy và khai thác các điều kiện tự nhiên, xây dựng thôn, bản văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian tiêu biểu; phát triển làng nghề gắn với du đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Mai Châu có các khu du lịch cộng đồng như: Bản Lác (Chiềng Châu), xóm Pom Coọng, Bản Văn , Bản du lịch sinh thái Xóm Bước , Xóm Vặn… Trung bình mỗi năm thu hút gần 20 nghìn lượt khách du lịch, có năm lên tới 35.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, trong đó có khoảng 1/3 khách du lịch quóc tế, doanh thu từ lĩnh vực du lịch năm cao nhất đạt đạt gần 7 tỷ đồng.
Đến Mai Châu, hầu hết du khách đều ghé thăm và nghỉ lại Bản Lác, dân số Bản Lác có hơn 400 người, có lần khách du lịch và sinh viên đến nghỉ qua đêm trên 2000 người. Thế mới biết sức hút của mô hình du lịch cộng đồng, cũng như việc quảng bá của Mai Châu về du lịch của họ. Ngày xưa, người Thái ở Bản Lác, huyện Mai Châu làm lúa nương và dệt thổ cẩm nổi tiếng. Ngày nay, người ta biết nhiều đến Bản Lác là một địa danh du lịch cộng đồng tiêu biêu. Khách du lịch đến tham quan cũng phải thừa nhận rằng: hiếm ở nơi nào có được sự hoà đồng giữa truyền thống và văn hoá hiện đại như thế. Và cũng hiếm ở đâu, người dân lại làm du lịch giỏi như Bản Lác. Từ làm du lịch họ đã có cuộc sống khá giả đến Bản Lác ngày nào cũng vui như ngày tết. Cũng theo ông Hà Công Nhấm thôn Bản Lác: từ khi làm du lịch đến nay ở Bản Lác chưa sảy ra một trường hợp mất an ninh trật tự nào, người dân không hề chèo kéo khách, nhà nào đi vắng thì nhà bên trông coi dùm và bán hàng hộ, người dân trong thôn rất đoàn kết và có tính cộng đồng cao, chính vì thế khách du lịch yêu thích điểm du lịch này là vì họ đến đây không phải lo sợ mà có dịp được nghỉ ngơi và vui chơi thỏa mái hơn ở những nơi thành thị đông đúc.
Ngày xưa biết được Mai Châu qua bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của tác giả Quang Dũng…“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói. Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”... Ngày nay du khách nhớ điểm du lịch cộng đồng như nhớ chính ngôi nhà của mình, dù trái tim có sắt đá đến đâu cũng phải mượn thơ mà thốt lên rằng:
Nhớ ôi Bản Lác cơm lên khói
Mai Châu em thơm mùa du lịch
Vương vấn đường xa khách muôn nẻo
Để lại Mai Châu chút nhớ mong.
Mr Đàn 0986 416 286
Ms Mơ 0987 303 118